Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19 (Lượt xem: 9334)

Trang chủ >> TIN TỨC >> Giáo dục - Khoa học & Công nghệ >> Khoa học và Công nghệ

Cập nhật: 23/09/2021

Chiều ngày 22/9, ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đã có buổi làm việc với các sở, ngành chức năng về triển khai công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tham dự buổi làm việc có bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng cùng các lãnh đạo sở, ngành có liên quan.

Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch COVID-19
Buổi làm việc về việc triển khai công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. 

   Theo chỉ đạo của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Y tế, 3 nền tảng công nghệ được triển khai thống nhất trên toàn quốc bao gồm: nền tảng khai báo y tế điện tử và quản lý thông tin người ra/vào địa điểm công cộng, nền tảng hỗ trợ lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm theo hình thức điện tử trực tuyến, nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Sóc Trăng hiện đã triển khai đầy đủ cả 3 nền tảng trên.

   Theo báo cáo tại buổi làm việc, tính đến nay, toàn tỉnh có 8.601 điểm đăng ký, có 8.312 tổng số lượt quét mã QR, có 30.746 Tờ khai báo y tế của người dân trong tỉnh đã thực hiện. Nền tảng lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm điện tử đã triển khai trên toàn tỉnh, lấy mẫu cho khoảng 177.430 người, đứng thứ 5/20 tỉnh đã triển khai nền tảng này. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại nhiều hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương.  

   Tuy nhiên, việc triển khai công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 vẫn còn gặp một số khó khăn, theo ông Dương Quốc Việt, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cho biết, tại một số địa phương còn vẫn còn thiếu cán bộ nhập liệu, trình độ tiếp cận công nghệ thông tin của các cán bộ còn thấp nên việc cập nhật danh sách, cập nhật chuẩn hóa các dữ liệu để cập nhật lên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 còn rất chậm. Các tổ chức cá nhân cung cấp thông tin cá nhân của các đối tượng tiêm không đầy đủ. Dẫn đến tình trạng người dân đã tiêm nhưng vẫn chưa có chứng nhận điện tử trên hệ thống Sổ sức khỏe điện tử và Cổng thông tin tiêm chủng. Thêm vào đó, tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh và cài đặt ứng dụng còn thấp...

  Sở Thông tin và Truyền thông cũng đã kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng ban hành quy định cho phép sử dụng kết quả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 trên ứng dụng Bluezone có giá trị pháp lý như một phiếu trả kết quả xét nghiệm bằng giấy. Đồng thời đề xuất Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông hỗ trợ tỉnh sử dụng hệ thống hỗ trợ người dân cập nhật chỉnh sửa thông tin tiêm chủng, hiện hệ thống này chỉ mới cập nhật thông tin trên địa bàn TP. HCM, các địa phương khác chưa có quy định rõ ràng về việc cập nhật lại kết quả tiêm chủng nên chưa thể thực hiện. Kiến nghị Sở Y tế cung cấp đường dây nóng hỗ trợ người dân cập nhật lại thông tin tiêm chủng.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đã có nhiều đề xuất nhằm phát huy được hiệu quả của công nghệ thông tin trong phòng chống dịch.

   Các đại biểu cũng đã có nhiều đề xuất nhằm phát huy được hiệu quả của công nghệ thông tin trong phòng chống dịch. Ông Phạm Trí Dũng, Giám đốc Viettel Sóc Trăng cho rằng, cần đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân khai báo y tế trên nền tảng ứng dụng Bluezone hoặc Sổ sức khỏe điện tử. Khi đến nơi tiêm chủng hoặc xét nghiệm, nếu người dân có điện thoại thông minh thì bắt buộc phải khai báo y tế. Còn với ông Trần Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sóc Trăng cho rằng, những thông tin cá nhân cũng như thông tin trên Sổ sức khỏe điện tử rất quan trọng, nếu quản lý không tốt, không chặt chẽ sẽ gây khó khăn cho các cơ quan chức năng.

   Trên cơ sở kiến nghị của các đại biểu, ông Lâm Văn Mẫn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng đề nghị VNPT và Viettel Sóc Trăng triển khai thí điểm nền tảng quản lý cách ly bằng công nghệ thông tin tại xã Lai Hòa và xã Vĩnh Tân của thị xã Vĩnh Châu, từ đó làm cơ sở nhân rộng trong việc quản lý cách ly tại địa phương. Bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng đề nghị cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, các cơ quan đơn vị cần triển khai rộng trong toàn bộ cán bộ công chức viên chức, nhân viên của các đơn vị cài đặt các ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch.

Ông Lâm Văn Mẫn, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc.

   Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính và Văn phòng UBND tỉnh phối hợp tham mưu cho UBND tỉnh để đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, trong đó có phần cứng, các trang thiết bị để phục vụ việc kiểm soát ở các Chốt kiểm dịch. Ngoài ra, cũng cần có các trang thiết bị để phục vụ cho học sinh học trực tuyến. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành Y tế cần đẩy mạnh việc thực hiện khai báo y tế, quản lý việc ra vào của người dân bằng mã QR và lấy mẫu, trả mẫu xét nghiệm. Lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh, ứng dụng công nghệ thông tin là cấp thiết trong công tác phòng chống dịch, do đó đòi hỏi sự quyết liệt trong triển khai ở các sở ngành, địa phương, đơn vị, nhằm phát huy hiệu quả của công nghệ thông tin, góp phần kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn./.

Mỹ Phương – Sa Phép


QUẢNG CÁO
     

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỔNG HỢP - ĐÀI PT & TH SÓC TRĂNG.

Giám đốc: Nguyễn Văn Bốn.

Giấy phép số: 287/GP-TTĐT cấp ngày 22/12/2016.

Địa chỉ: 132 Trần Văn Bảy, Phường 3, TP Sóc Trăng.

Điện thoại: 0299 3822598 - Fax: 0299 3825876.

® Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.

Ghi rõ nguồn THST.vn khi phát hành lại thông tin từ website này.




Phát triển bởi: Phòng Kỹ thuật Đài PT & TH Sóc Trăng.
Soc trang - truyen hinh soc trang - dai th soc trang - dai truyen hinh soc trang - th soc trang - Soc trang TV - thoi su soc trang - THST - truyen hinh - soc trang online